I. Khái niệm về crack
Thuật ngữ Crack (Cờ rắc, thuốc, medicine, bẻ khoá,…) có thể hiểu đơn giản là những phương pháp để vượt qua các bảo mật, giới hạn của phần mềm (chương trình, ứng dụng, game,…) để sử dụng được đầy đủ các tính năng của phần mềm mà không tốn chi phí (gần giống như sử dụng miễn phí phần mềm có bản quyền).
II. Phần mềm và các giới hạn của phần mềm có phí
1. Phần mềm
Phần mềm ở bài viết này dùng để chỉ chung các chương trình ứng dụng, game, có thể bao gồm một số loại như sau (ở đây chỉ xem xét các phần mềm được cài đặt sử dụng offline ở máy tính, không kể các phần mềm sử dụng online trên nền web):
– Phần mềm miễn phí (một số từ có liên quan như Freeware, Open-source): người dùng có thể sử dụng không giới hạn tính năng và không phải trả chi phí (có thể donate cho tác giả để tác giả tiếp tục phát triển thêm tính năng mới và donate là không bắt buộc).
– Phần mềm có phí (một số từ có liên quan Free Trial, Demo, Commercial use): người dùng có thể được sử dụng phần mềm nhưng bị nhiều loại giới hạn khác nhau, nếu muốn sử dụng mà không bị giới hạn thì phải trả tiền cho đơn vị, cá nhân tạo ra phần mềm (gọi chung là nhà sản xuất).
2. Các giới hạn của phần mềm có phí
Một số giới hạn của phần mềm có phí phổ biến gồm:
a) Giới hạn tính năng: một số chức năng của phần mềm không sử dụng được, muốn sử dụng được các tính năng đó phải trả tiền cho nhà sản xuất.
b) Giới hạn thời gian, số lần sử dụng:
– Phần mềm chỉ sử dụng được trong một khoản thời gian nhất định (tính từ thời điểm cài đặt phần mềm): ví dụ như 7 ngày (7 days), 15 ngày (15 days), 30 ngày (30 days),…;
– Phần mềm chỉ chạy được số lần nhất định: ví dụ tính từ thời điểm cài đặt phần mềm chỉ mở được phần mềm 10 lần (10 times), 50 lần (50 times),..;
– Phần mềm bị giới hạn số lượng cho từng tính năng: ví dụ như phần mềm chuyển định dạng video giới hạn chỉ chuyển được định dạng của video dài tối đa 10 phút, phần mềm xử lý file pdf giới hạn chỉ xử lý được file dưới 50 trang,…
c) Giới hạn khác (nhằm tạo ra sự khó chịu cho người dùng, muốn không khó chịu thì bỏ tiền ra mua bản quyền):
– Hiển thị hộp thoại thông báo những thông tin không cần thiết mỗi lần người dùng mở chương trình (hay gọi là Nag Screen);
– Hiển thị thông báo quảng cáo mua phần mềm ở một số nơi trên giao diện của phần mềm;
– Hiển thị những thông tin quảng cáo ở những sản phẩm đầu ra của phần mềm: ví dụ đối với phần mềm xử lý video: hiển thị logo của nhà sản xuất ở một số vùng của video; phần mềm xử lý văn bản: hiển thị đóng dấu (watermark) liên quan đến nhà sản xuất ở văn bản đầu ra);
– Không cập nhật được phiên bản mới;
– Không update được cơ sở dữ liệu…
3. Phân nhóm một số loại phần mềm có phí
– Free trial (dùng thử miễn phí): người dùng được sử dụng đầy đủ tính năng phần mềm với một số giới hạn nhất định, sau khi tới giới hạn (hết hạn sử dụng, hết số lần sử dụng,…) thì không sử dụng phần mềm được nữa. Đối với loại này, nếu người dùng mua bản quyền sẽ kích hoạt phần mềm và tiếp tục sử dụng, không cần cài đặt lại.
– Demo (bản giới thiệu): người dùng sử dụng một bản phần mềm không có đầy đủ tính năng của phiên bản gốc (thường chỉ gồm 1 số tính năng chính của phần mềm mà thôi). Đối với loại này, nếu người dùng mua bản quyền sẽ được cung cấp bản cài đặt (setup) đầy đủ tính năng và sẽ phải cài lại phần mềm để có thể sử dụng.
– Commercial use/ Non-Commercial use: người dùng được sử dụng bản đầy đủ tính năng của phần mềm nếu chỉ sử dụng cho hoạt động của chính người dùng, không có yếu tố kinh doanh thương mại (Non-Commercial use). Loại này thường sẽ tương tự như Free Trial nhưng không bị giới hạn hoặc nếu có thì chỉ giới hạn một số ít tính năng và vẫn được sử dụng lâu dài.
III. Các loại crack phổ biến – Cách sử dụng, độ an toàn và khả dụng
Crack phần mềm là sử dụng các phương pháp khác nhau để vượt qua (hay bỏ qua) các giới hạn của phần mềm (nêu ở phần II mục 2) để sử dụng phần mềm lâu dài với đầy đủ tính năng mà không cần phải trả tiền cho nhà sản xuất.
Crack phần mềm thể hiện bằng nhiều loại khác nhau:
1. Serial
– Là một hoặc nhiều chuỗi ký tự dùng để đăng ký, kích hoạt phần mềm. Cụ thể từng trường hợp có thể có tên gọi khác nhau như Product key, Serial, License key, Registration code, Serial No,….
– Cách sử dụng: điền Serial vào hộp thoại đăng ký của phần mềm, hoặc điền Serial vào hộp thoại đăng ký khi mở 1 chương trình riêng của phần mềm có chức năng dùng để kích hoạt (file .exe để điền thông tin khác với file .exe để chạy phần mềm).
– Độ an toàn: An toàn, do dùng Serial không can thiệp vào mã nguồn gốc của phần mềm.
– Độ khả dụng: Phần mềm kích hoạt bằng Serial có thể sẽ không cập nhật (upgrade/update) lên phiên bản mới hơn được, hoặc sau khi cập nhật thì mất kích hoạt, hoặc khi phần mềm kết nối với internet thì bị mất kích hoạt.
– Sự khác nhau so với Serial bản quyền: Phần mềm kích hoạt bằng Serial bản quyền có thể khi cập nhật lên phiên bản mới hơn mà không cần kích hoạt lại, có thể kết nối với internet để tải về database hoặc dữ liệu cần thiết, còn Serial crack nhiều trường hợp khi cập nhật xong sẽ bị mất kích hoạt.
Ví dụ về Serial:
1. Serial là 1 chuỗi ký tự:
Product key: FJT8C-2WNKT-DKPQG-JYHXD-YBFFC
2. Serial là 2 chuỗi ký tự:
Email: [email protected]
Registration code: 0055cfc1caf1064708ae200ad6487052c09
3. Serial là nhiều chuỗi ký tự:
Name: BKoG
Registration Serial: 064708ae200ad648705
Activation code: 3B-PL7PRQ-145JWG
2. License file
– Là một hay nhiều file (các tên gọi khác như License file, Key file,…) chứa thông tin đăng ký, kích hoạt phần mềm.
– Cách sử dụng: người dùng chỉ cần sao chép các License file này vào thư mục cài đặt của phần mềm hoặc một thư mục cụ thể nào đó liên quan đến trên máy tính (tuỳ thuộc vào phần mềm có cài đặt như thế nào) là có thể kích hoạt phần mềm nhằm sử dụng đầy đủ tính năng và thời gian lâu dài.
– Độ an toàn: Không an toàn (Sẽ là an toàn nếu License file chỉ là file chứa thông tin đăng ký dạng text, không phải là file thực thi .exe, .dll).
– Độ khả dụng: Phần mềm kích hoạt bằng License file có thể không cập nhật lên phiên bản mới hơn được, hoặc sau khi cập nhật thì mất kích hoạt, hoặc khi phần mềm kết nối với internet thì bị mất kích hoạt.
– Sự khác nhau so với License file bản quyền: Phần mềm kích hoạt bằng License file bản quyền có thể khi cập nhật lên phiên bản mới hơn mà không cần kích hoạt lại, có thể kết nối với internet để tải về database hoặc dữ liệu cần thiết. License file crack nhiều trường hợp sẽ mất kích hoạt nếu cập nhật phiên bản mới hoặc cho phần mềm kết nối internet.
Ví dụ về License file và cách sử dụng:
– Sao chép file apps.key vào thư mục cài đặt của phần mềm để kích hoạt.
– Sao chép file reg.lic vào thư mục: C:\ProgramData\Appsname\ để kích hoạt.
3. Keygen
– Thường là một file thực thi (.exe) dùng để tạo ra Serial/ License file. Keygen có thể tạo ra nhiều Serial/ License file khác nhau một các ngẫu nhiên, hoặc tạo ra dựa vào thông tin người dùng nhập vào (ví dụ như người dùng nhập Name hoặc Email thì keygen tạo ra Serial tương ứng với Name hoặc Email đó). Có thể nói Keygen là 1 nhóm nhiều Serial/ License file được lưu trong 1 file .exe duy nhất.
– Độ an toàn: Không an toàn (do người tạo ra Keygen có thể chèn các đoạn mã độc hại vào Keygen để gây ra rủi ro cho máy tính của người dùng khi chạy keygen).
– Độ khả dụng: tương tự như Serial và License file.
4. Fixed file
– Là dạng crack rất phổ biến mà người ta hay gọi chung là file crack. Fixed file có thể là một hoặc nhiều file có tên giống hệt với các file của phần mềm gốc (thường là file .exe, .dll,…) nhưng đã được chỉnh sửa để vượt qua các giới hạn của phần mềm.
– Cách sử dụng: người dùng chỉ cần chỉ cần chép đè các fixed file này thay thế các file tương ứng của phần mềm gốc để kích hoạt phần mềm nhằm sử dụng đầy đủ tính năng và thời gian lâu dài. Thông thường các fixed file có dung lượng tương đối gần bằng với các file gốc của phần mềm.
– Độ an toàn: Không an toàn (do người tạo ra fixed file có thể chèn các đoạn mã độc hại để gây ra rủi ro cho máy tính của người dùng khi chạy fixed file).
– Độ khả dụng: Phần mềm kích hoạt bằng Fixed file sẽ không cập nhật lên phiên bản mới hơn được hoặc sau khi cập nhật thì chắc chắn mất kích hoạt (do crack chương trình là chỉnh sửa file gốc phần mềm, sau khi cập nhật thì chương trình sẽ thay thế fixed file bằng các file gốc mới), hoặc khi phần mềm kết nối với internet thì bị mất kích hoạt. Do đó, fixed file của phiên bản nào chỉ sử dụng được cho phiên bản đó. Ví dụ: fixed file của phần mềm phiên bản 1 chỉ sử dụng cho phiên bản 1, nếu phần mềm cập nhật lên phiên bản 2 thì không sử dụng fixed file đó để kích hoạt được nữa.
– Sự khác nhau so với sử dụng bản quyền: thường nhà sản xuất ít khi phân phối bản quyền cho người dùng bằng fixed file nên hầu như nếu phần mềm kích hoạt bằng chép đè file .exe, .dll thì đa phần là bản crack.
5. Reg file
– Là file .reg (Registry) chứa thông tin đăng ký/ kích hoạt phần mềm.
– Cách sử dụng: người dùng chạy file .reg crack thì các khóa trong Regedit sẽ tự động được thay đổi theo thông tin có trong file .reg và phần mềm có thể sử dụng đầy đủ tính năng và thời gian lâu dài.
– Độ an toàn: Không an toàn (do người tạo ra file .reg có thể chèn các đoạn mã độc hại để gây ra rủi ro cho máy tính của người dùng khi chạy file .reg, vì sửa sai khoá Registry trong Regedit là rất nguy hiểm).
– Độ khả dụng: tương tự như License file (do License file là lưu thông tin đăng ký phần mềm trong file, còn Reg file là cập nhật thông tin đăng ký vào Registry).
– Sự khác nhau so với sử dụng bản quyền: thường nhà sản xuất ít khi phân phối bản quyền cho người dùng bằng reg file nên hầu như nếu phần mềm kích hoạt bằng chạy reg file thì đa phần là bản crack.
6. Patch
– Còn gọi là bản vá, là một file .exe (thường sẽ có dung lượng nhẹ hơn nhiều so với file chạy gốc của phần mềm), patch khi chạy sẽ thực hiện một hoặc một nhóm hành động kết hợp của các loại crack đã nói bên trên. Ví dụ như: file patch 1 có thể tự động chỉnh sửa mã nguồn của file gốc phần mềm để biến file gốc thành fixed file, file patch 2 có thể tự động chạy file .reg và/hoặc tạo License file và copy nó vào vị trí phù hợp, hoặc file patch 3 kết hợp tất cả các cách trên: tự động sửa file gốc thành fixed file, lưu License file vào vị trí phù hợp đồng thời thực thi luôn 1 reg file cụ thể để chỉnh sửa registry.
– Cách sử dụng: thường là người dùng cần copy file patch vào thư mục cài đặt của phần mềm và chạy file patch, sau đó nhấn nút Patch trên giao diện và patch sẽ thực hiện tự động thực hiện các hành động. Sau đó, phần mềm có thể sử dụng đầy đủ tính năng trong thời gian lâu dài.
– Độ an toàn: Không an toàn (do người tạo ra file patch có thể chèn các đoạn mã độc hại để gây ra rủi ro cho máy tính của người dùng khi chạy file patch, như tự cài chương trình độc hại, thu thập thông tin, virus,…).
– Độ khả dụng: tương tự với trường hợp của fixed file. Phổ biến nhất là sau khi chạy Patch thì file gốc của phần mềm sẽ biến thành fixed file (hay thỉnh thoản gọi là patched file). Ưu điểm của file patch so với fixed file là file patch sẽ có dung lượng nhẹ hơn fixed file. File gốc + Patch => Fixed file (+ reg file + …).
– Sự khác nhau so với sử dụng bản quyền: thường nhà sản xuất ít khi phân phối bản quyền cho người dùng bằng Patch nên hầu như nếu phần mềm kích hoạt bằng chạy file Patch thì là bản crack.
7. Loader
– Là một file .exe (thường có dung lượng nhẹ hơn file gốc phần mềm), file loader thông thường sẽ không can thiệp chỉnh sửa cố định vào file mở chương trình của phần mềm (không làm thay đổi file gốc của phần mềm), mà khi chạy file Loader sẽ thực hiện một số hành động tự động và mở phần mềm gốc, khi đó phần mềm sẽ sử dụng đầy đủ tính năng trong thời gian lâu dài.
Kỹ thuật ở đây hiểu như sau: loader cũng tương tự patch, nhưng không chỉnh sửa file gốc phần mềm một cách cố định như Patch mà mỗi lần chạy Loader, nó sẽ chỉnh sửa bộ nhớ mà file gốc phần mềm sử dụng và tiếp theo mở phần mềm lên. Mỗi lần mở Loader sẽ chỉnh sửa thông tin trong bộ nhớ file gốc phần mềm sử dụng khác nhau nên thường mỗi lần chạy Loader nó sẽ tạo ra thêm 1 fixed file nữa nhưng không chép đè vào file gốc (file gốc được giữ nguyên). Do đó, nếu bạn mở phần mềm bằng file gốc thì phần mềm ở trạng thái chưa kích hoạt, còn mở Loader thì phần mềm sẽ tự động mở lên với trạng thái đã kích hoạt và sử dụng đầy đủ tính năng.
– Cách sử dụng: thường là người dùng cần copy file Loader vào thư mục cài đặt của phần mềm (chứa file chạy gốc của chương trình), mỗi lần muốn mở phần mềm thì không chạy file chương trình mà chạy file loader, sau đó phần mềm sẽ mở lên và có thể sử dụng đầy đủ tính năng.
– Độ an toàn: Không an toàn (do người tạo ra file Loader có thể chèn các đoạn mã độc hại để gây ra rủi ro cho máy tính của người dùng khi chạy file Loader).\
Độ khả dụng: tương tự như Patch.. Ưu điểm của Loader so với fixed file là Loader sẽ có dung lượng nhẹ hơn fixed file. Đối với patch sau khi chạy patch xong có thể xoá file Patch đi, còn loader phải giữ lại vì mỗi lần muốn mở phần mềm thì phải chạy file loader.
8. Trial Reset
– Thường là file .exe, là phương pháp kéo dài thời gian dùng thử (Free Trial) của phần mềm (các giới hạn khác nếu có thì vẫn bị giới hạn), thường chỉ áp dụng đối với các phần mềm bị giới hạn thời gian sử dụng và không bị các giới hạn khác.
– Cách sử dụng: ví dụ như phần mềm có giới hạn thời hạn sử dụng là 30 ngày, người dùng đã sử dụng 27 ngày, chỉ còn 3 ngày nữa hết hạn sử dụng. Khi đó người dùng chạy Trial Reset, sau đó khi mở lại phần mềm sẽ lại có tiếp tục 30 ngày sử dụng kể từ ngày sử dụng Trial Reset.
– Độ an toàn: Không an toàn (do người tạo ra file Trial Reset có thể chèn các đoạn mã độc hại để gây ra rủi ro cho máy tính của người dùng khi chạy file Trial Reset).
– Độ khả dụng: Trial Reset hoạt động theo phương thức Reset phần mềm trở lại thời điểm cài đặt đầu tiên, không tác động vào file gốc của phần mềm mà chỉ thay đổi những thông tin đăng ký trên máy tính của người dùng. Do đó, người dùng có thể cập nhật lên phiên bản mới hơn. Tuy nhiên sau khi cập nhật, có khả năng sẽ không thể reset ngày sử dụng nữa (trong trường hợp chương trình thay đổi code ở phần kiểm tra thông tin đăng ký).
– Sự khác nhau so với sử dụng bản quyền: phương pháp này kéo dài thời hạn dùng thử nên sẽ bị giới hạn các tính năng như bản dùng thử so với bản đăng ký bản quyền.
9. Pre-activated
– Thường là file cài đặt (setup) của phần mềm. Có 2 dạng: Pre-activated bản quyền và Pre-activated crack sẵn. Pre-activated bản quyền có thể phân phối đến người dùng thông qua các đợt Giveaway, sử dụng y như là phần mềm đã đăng ký bản quyền (ở đây không nói thêm do sử dụng tương tự như phần mềm đã mua bản quyền). Pre-activated crack sẵn là bản setup đóng gói phần mềm đã được crack sẵn, là kết hợp file cài đặt gốc và các file sau khi crack phần mềm .
– Cách sử dụng: người dùng chỉ cần cài đặt phần mềm như thông thường, cài xong sẽ sử dụng như phần mềm luôn không làm gì nữa, thông tin đăng ký đã được thêm sẵn vào gói cài đặt, phần mềm sử dụng được đầy đủ tính năng trong thời gian lâu dài.
– Độ an toàn: không an toàn (do người tạo ra file Pre-activated có thể chèn các đoạn mã độc hại để gây ra rủi ro cho máy tính của người dùng khi chạy file Pre-activated).
– Độ khả dụng: tương tự như Serial, License file, Reg file, Fixed file, Patch, Loader (vì Pre-activated = file setup gốc + file crack).
10. Repack
– Một dạng tương tự như Pre-activated, là file cài đặt (setup) của phần mềm, rất hay gặp đối với game crack. Repack ngoài các đặc điểm như Pre-activated, nó còn có thể thêm rất nhiều phần phụ thêm, bổ trợ, tăng tính năng cho phần mềm, game. Repack khác với Pre-activated là bản repack chắc chắn là bản crack và thêm hoặc bỏ nhiều thứ so với bản gốc, được nén lại cho dung lượng nhỏ hơn bản gốc, còn bản Pre-activated thông thường sẽ hoàn toàn giống bản gốc (chỉ là không cần kích hoạt bản quyền). Repack thường phổ biến đối với các game có dung lượng lớn, chạy Repack cài đặt xong là vô game chơi luôn không cần cài gì nữa (game crack sẵn, đủ DLC, Mods các thứ luôn).
– Cách sử dụng: người dùng chỉ cần chạy file repack như cài đặt phần mềm như thông thường, cài xong sẽ sử dụng như phần mềm luôn không làm gì nữa, thông tin đăng ký đã được thêm sẵn vào gói cài đặt.
– Độ an toàn và độ khả dụng: tương tự như Pre-activated.
11. Portable
– Vì sao mình đề cập đến Portable ở đây. Đa phần Portable sẽ có phiên bản cho các phần mềm miễn phí, nhưng cũng có Portable cho phần mềm có phí, và Portable của phần mềm có phí thì cũng có thể áp dụng crack y hệt như các phương pháp nêu trên, nhưng thường Portable phần mềm có phí thì phần mềm đã crack sẵn rồi. Portable thường được phân phối đến người dùng dưới dạng file nén (.rar, .zip, .7z, .exe). Người dùng chỉ cần giải nén file ra rồi chạy phần mềm là xong (không cần cài đặt).
– Độ an toàn và độ khả dụng: tương tự như Pre-activated và Repack (do người tạo ra file Portable có thể chèn các đoạn mã độc hại để gây ra rủi ro cho máy tính của người dùng khi chạy phần mềm Portable).
IV. Thông tin cơ bản của việc crack phần mềm
1. Cơ chế cơ bản khi kích hoạt một phần mềm
Bước 1. Người dùng nhập thông tin đăng ký (Serial).
Bước 2. Nếu đúng Serial thì chương trình sẽ tạo ra (license file) ở một vị trí nào đó trong máy tính, và/ hoặc ghi nhận thông tin đăng ký vào registry (Reg file).
Bước 3. Khi mở phần mềm nó sẽ kiểm tra License file, thông tin registry xem chương trình đã kích hoạt chưa.
Bước 4. (có thể có có thể không có) phần mềm kết nối với trang chủ (hoặc trang kích hoạt bản quyền) của nhà sản xuất để kiểm tra Serial đã nhập ở bước 1 có hợp lệ hay không, nếu không hợp lệ thì phần mềm sẽ bị mất kích hoạt.
2. Phương pháp cơ bản của việc crack phần mềm.
Crack phần mềm là can thiệp vào một/ một số/ tất cả trong các bước trên ở mục 1.
a) Can thiệp bước 1:
– Serial, Keygen;
– Patch, loader: để xoá phần hỏi thông tin đăng ký, hoặc không xoá nhưng đăng ký được với mọi serial bất kỳ.
b) Can thiệp bước 2:
– Keygen;
– License file;
– Reg file.
c) Can thiệp bước 3:
– Loader.
d) Can thiệp bước 4:
– Patch, loader: sửa chương trình để không kết nối internet;
– Dùng firewall hoặc sửa file hosts để chặn phần mềm kết nối internet.
Do đó, ngoài các loại crack đã nêu ở Phần III, còn cách nữa là chặn phần mềm kết nối internet.
V. Những nguy hiểm khi sử dụng crack
1. Nguy hiểm khi tìm kiếm và tải crack về máy tính
Đa phần crack được phát hành từ các nhóm cracker, được phổ biến thông qua các trang web chia sẻ ngang hàng (torrent) hoặc các dịch vụ lưu trữ và chia sẻ file không miễn phí (phải trả tiền hoặc chờ xem quảng cáo để tải file), nếu người dùng không có kinh nghiệm có thể bị dính virus, phần mềm độc hại khi vào các trang web chia sẻ crack hoặc khi tải file crack về.
2. Nguy hiểm khi sử dụng crack
Hầu hết các file crack sẽ bị chương trình diệt virus nhận dạng là độc hại: do file gốc đã bị chỉnh sửa mã nguồn, không còn như phần mềm gốc ban đầu (fixed file); do nó tự thực hiện các hành động được cài đặt sẵn (repack, loader, patch); do nó chỉnh sửa các file thực thi khác (patch, loader,…); hoặc thậm chí chính bản thân file crack đã chèn sẵn những mã, chương trình làm hại máy tính người dùng (làm máy bị virus, file bị mã hoá, hoặc nguy hiểm hơn là lén lút thu thập thông tin người dùng).
VI. Kết luận
Trên đây mình đã giới thiệu sơ lược về cơ chế hoạt động của các loại crack, từ đó các bạn có thể hiểu vì sao crack yêu cầu thực hiện như thế này, như thế kia. Từ đó sẽ lưu ý, cảnh giác với những trường hợp crack có dấu hiệu kỳ lạ, khác biệt với cơ chế hoạt động chung, cơ bản nhằm bảo đảm không bị rủi ro do thiếu hiểu biết khi sử dụng crack.
Bài viết không mang tính kỹ thuật và cũng không khuyến khích sử dụng crack (vì vậy bài viết sẽ không hướng dẫn sử dụng crack thế nào là an toàn). Thông tin bài viết được tổng hợp, chỉnh sửa từ rất nhiều, rất nhiều nguồn và kinh nghiệm của bản thân.
Một số thông tin tổng hợp có thể chưa chính xác lắm và cũng khó bao trùm tất cả các trường hợp trong thực tế phát sinh, các bạn có thể comment đóng góp ý kiến để bài viết hoàn chỉnh hơn.
Bài viết bởi bankhonggioi.com